Hiện nay trên các phương tiện truyền thông nói rất nhiều về bệnh “ Sốt xuất huyết”. Trên địa bàn xã An Bình cũng đã xuất hiện căn bệnh này.Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về bệnh truyền nhiễm này.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa. Sau đây là triệu chứng và cách phòng bệnh:
2/ Triệu chứng:
Khi thấy những dấu hiệu sau:
– Sốt (nóng) cao 39-40 độ C , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền.
– Xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng:
– Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
– Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
– Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
– Đau bụng.
– Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:
– Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã
– Chân tay lạnh
– Tiểu ít
– Có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
3/ Phòng bệnh:
– Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.
– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:
+ Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy (lăng quăng).
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.
+ Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).
– Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.
Phòng chống muỗi đốt:
– Mặc quần áo dài tay.
– Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.
– Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
– Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
– Nếu bị sốt xuất huyết cần đưa đến cở sơ y tế để điều tri.,. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt.
* Trên đây là những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết. Hy vọng buổi tuyên truyền hôm nay sẽ đem lại những kiến thức bổ ích và thiết thực giúp các thầy cô và các em hiểu biết và cách phòng tránh dịch bệnh này..