Giới thiệu sách:” Một thời hoa lửa”

Chiến tranh đã hơn 40 năm trôi qua nhưng dấu vết chiến tranh vẫn hằn sâu trong từng thửa đất, hậu quả của chiến tranh vẫn từng ngày ám ảnh mỗi người dân Việt Nam. Trong những năm tháng ấy chúng tôi muốn gửi đến quý vị một thông điệp về một thế hệ thanh niên yêu nước thời kháng chiến, đó là sự hy sinh cao cả để giành lại độc lập cho dân tộc.

“Đò xuôi Thạch Hãn ơi … chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ … mãi mãi ngàn năm”.

                –  Lê Bá Dương

Bốn câu thơ chứa chan nhiều cảm xúc, khắc sâu trong tâm trí mỗi người Việt chúng ta về một thế hệ gan vàng, dạ ngọc đã làm nên một huyền thoại. Đó là những người lính đã chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972. Gian khó, hiểm nguy không ngăn nổi trái tim của những con người tuổi trẻ tiến lên phía trước. Đạn bom, khốc liệt không làm nhụt ý chí chiến đấu với quân thù. Nhiều người ngã xuống khi chưa tròn 18, 20 tuổi; nhiều người hy sinh đến nay vẫn còn chưa xác  định được danh tính. Nhưng sự chiến đấu và hy sinh của họ đã viết nên “Khúc tráng ca Thành cổ”, một trường đoạn bi tráng và hào hùng của bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Họ đã sống và chiến đấu ra sao, tất cả những giây phút hào hùng và bi tráng đó đều được thể hiện một cách chân thực nhất trong cuốn sách mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc. Đó là cuốn sách “ Một thời hoa lửa”.

unnamed

Cuốn sách “ Một thời hoa lửa” , với sự đóng góp của nhiều tác giả do NXB trẻ phát hành năm 2016, quyển sách dày 356 trang, khổ 15,5 cm x 23 cm, giá bìa 120.000đ. Với tựa đề “ Một thời hoa lửa trên trang bìa sẽ hé mở cho chúng ta thấy cái đẹp của tuổi trẻ, cái ác liệt của chiến tranh và lòng nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam ngày đêm chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Với dòng chữ nổi bật “ Một thế hệ làm nên một huyền thoại” đã chứng minh cho điều ấy.

Quyển sách gồm có 4 phần:

Phần 1: Quảng trị nơi lịch sử lựa chọn

Phần 2: Họ đã sống và chiến đấu

Phần 3: Những dòng viết về một thời hoa lửa

Phần 4: Gặp gỡ, đã hơn 40 trôi qua

Thưa quý bạn đọc. Quảng Trị giống như hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc với các địa danh nổi tiếng như: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vĩnh Mốc, nhà tù Lao Bảo… đặc biệt là thành cổ Quảng Trị –  nơi đã diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữa một bên quyết giữ và một bên dùng uy lực súng đạn quyết chiến bằng mọi giá.

Hơn 40 năm trôi qua kể từ mùa hè năm 1972, đã có tới hai thế hệ trải qua tuổi hai mươi của mình. Và hôm nay, trong rất nhiều huyền thoại đã ghi dấu trên mảnh đất này, cho phép chúng tôi được nói đến huyền thoại về những con người. Có một thế hệ thanh niên đã lên đường dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Họ là những học sinh, sinh viên, hay những thầy giáo trong giảng đường đại học.. Trong đó có anh Nguyễn Văn Thạc, anh đã viết  nhật ký trong ngày lên đường nhập ngũ: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc,…khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay thiêng liêng quá…” Tạm biệt Hà Nội họ đến với chiến trường ác liệt chưa từng có. Một nơi như thế là Quảng Trị: “Pháo cấp tập vào dữ dội, bầu trời như muốn vỡ ra, cát bụi, khói bay mù mịt, đạn nổ quanh hầm rung bần bật. Ở đây nếu lộ trận địa là bị bom đào, đào ngay cả pháo lẫn ngưòi…”(trích nhật ký cựu chiến binh Đào Chí Thanh).Trong chiến trường ác liệt ấy những con người trẻ tuổi ấy có thể chịu 2 vạn quả đạn pháo mỗi ngày. Có những người ngã xuống mà không hề biết đến một huyền thoại mình vừa góp phần tạo nên. Lời gọi cuối cùng của họ có khi chỉ là tiếng gọi “ mẹ ơi” vang vọng giữa dòng sông Thạch Hãn. Thế các bạn có bao giờ đặt câu hỏi: Vì sao những người lính này lại bước vào cuộc chiến với sự thanh thản và can đảm như vậy? Đâu là động lực để giúp họ có đủ niềm tin và nghị lực mạnh mẽ đến vậy? Để biết được điều này mời  bạn đọc tìm hiểu từ trang 28 đến trang 185 của cuốn sách

Đến với phần “ Những dòng viết về một thời hoa lửa” chúng ta sẽ được gặp lại anh Nguyễn Văn Thạc mãi mãi tuổi hai mươi, sẽ chứng kiến những giây phút bi hùng của anh gần thành cổ. Ta sẽ được hòa mình vào những trang nhật ký lãng mạn và say đắm của chị Phạm Thị Như Anh dành riêng cho Thạc mà anh không bao giờ còn kịp đọc được nữa. Ta sẽ gặp lại hình ảnh “ chú chim Quyên trong Thành Cổ Quảng Trị” – anh Nguyễn Xuất Hiện khi ấy mới 14 tuổi, với câu hỏi  “Có sợ chết không?” …“Sợ gì mà sợ, chết có gì mà sợ…” Hay những câu chuyện của  người cha 33 năm đi tìm con, những người cựu chiến binh đi tìm mộ đồng đội, vợ đi tìm chồng. Câu chuyện về những người mẹ anh hùng, về lá thư tình nằm dưới hầm cỏ hơn 30 năm mới tới tay người nhận…Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với bức thư của anh Lê Văn Huỳnh gửi cho gia đình và vợ. Bức thư viết trước ngày hy sinh: “Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời… Song vì đất nước có chiến tranh thì  mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu sống đến ngày đón mừng chiến thắng…Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho tổ quốc mai sau…”

Và còn biết bao câu chuyện khác, bao nhiêu con người khác nữa, có khi âm thầm lặng lẽ như vô vàn nấm mộ vô danh nơi đất lửa để cỏ lại mọc lên xanh tươi như chưa hề qua những thử thách nghiệt ngã đến thế.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.
………………………………….
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào…”

                  – Phạm Đình Luân

Không thể đếm hết những giọt nước đã chảy vào sông Thạch hãn, cũng như không thể đếm hết những người lính đã hóa thân vào đất đai, cây cỏ, núi sông của Tổ quốc chúng ta. Chúng ta-những người được sinh ra trong hòa bình sẽ hiểu hơn về những gì cha anh đã để lại, đã chiến đấu kiên cường, đã hi sinh anh dũng để thế hệ hôm nay có được một cuộc sống tươi đẹp.

Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành

Nối vòng hoa lửa với Khe Sanh

Huân chương khó đủ từng viên gạch

Tấc đất, từng giây, mỗi lá cành.

                  – Trần Bạch Đằng

Mong rằng tất cả các bạn sinh viên chúng ta hôm nay có điều kiện để học tập và tiếp cận những tri thức của thời đại, để xây dựng dựng đất nước giàu đẹp và đây cũng là điều chúng ta có thể làm để thực hiện lý tưởng của những người đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Thành Cổ này.

Rất mong quý bạn đọc sẽ yêu thích quyển sách Một thời hoa lửa” và tìm đọc tại thư viện trường Tiểu học An Bình B nhé.